Địa đạo Vịnh Mốc
Địa đạo Vịnh Mốc:
Địa đạo Vịnh Mốc là bằng chứng tiêu biểu cho thời kỳ chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nói chung và nhân dân Quảng Tri nói riêng. Địa đạo Vịnh Mốc xứng đáng là một làng xóm dưới lòng đất, dấu kín biết bao điều kỳ lạ của những con người đã làm ra nó và của thời đại mà nó được sinh ra.
Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển có độ cao so với mặt nước biển là 28m, thuộc địa phận xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, là kỳ tích của 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn của nhân dân Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang để đào và vận chuyển hơn 6000m3 đất đá. Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê đựợc xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 - 23m. Tổng chiều dài hệ thống đường hầm là hơn 2.000m (nay chỉ còn 1.071m). Địa đạo có trục đường chính dài 768m, cao từ 1,5 đến 1,8m, rộng từ 1 - 1,2m. Từ trục chính tỏa ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có tất cả 13 cửa gồm 7 cửa mở ra phía biển và 6 cửa trên đồi đi xuống. Tại các cửa đều có khung gỗ chống đỡ, thường xuyên được gia cố để chống sụt lở. Hai bên trục đường cứ khoảng cách từ 3 - 5m thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt. Địa đạo được cấu trúc thành 3 tầng: tầng một là nơi sinh sống của nhân dân; tầng hai là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, Ủy ban và Ban chỉ huy các lực lượng vũ trang; tầng ba chủ yếu là kho hậu cần, cất giữ hàng hóa cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam cũng như phục vụ cho cuộc chiên đấu tại chỗ. Trong địa đạo có đầy đủ những công trình thiết yếu đảm bảo an toàn và phục vụ cho đời sống như: trạm gác, bệnh xá, nhà hộ sinh, nhà bếp, nhà vệ sinh và nhiều lỗ thông hơi được bố trí một cách hợp lý, khoa học. Đặc biệt, trong lòng địa đạo còn có ba giếng nước và một hội trường vuông vắn có sức chứa trên 50 người. Từ địa đạo này, quân và dân Vĩnh Linh đã tổ chức thắng lợi công cuộc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; tham gia đánh địch trên biển, trên không; đã bắn cháy một tàu chiến Mỹ, bắn rơi 3 máy bay, chuyển ra đảo Cồn Cỏ 11.500 tấn hàng, chuyển vào chiến trường Quảng Trị 300 tấn hàng các loại; vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện đắc lực cho đảo Cồn Gò anh hùng và tiền tuyến miền Nam; đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân trong lòng đất... trong suốt gần 2000 ngày đêm ròng rã.
Chiến tranh đã lùi xa, còn đó một làng hầm huyền thoại, ngày ngày truyền lại niềm tin, ý chí cho thế hệ hôm nay và mai sau về sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Từ đây, tất thảy bạn bè, kể cả những người từng ở bên mà chiến tuyến đều phải thừa nhận sự thần kỳ của một đất nước, một dân tộc mà sự tồn tại và chiến thắng là tất yếu. Có rất nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này, tất cả đều công nhận “Làng địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.