Trường đại học Harvard tuyển sinh như thế nào?
Đại học Harvard tuyển sinh như thế nào?
Những cô cậu tú muốn có một vé vào Harvard, Đại học số 1 của thế giới theo xếp hạng mới nhất, đương nhiên phải vất vả học hành. Nhưng hiếm ai biết để cho ra đời danh sách các tân sinh viên, ban tuyển sinh của trường đại học danh tiếng này cũng phải lao lực không kém! Tạp chí Business Week cho biết:
Tại Mỹ, hiếm có cuộc so tài nào gay gắt, khốc liệt như qui trình tuyển sinh của các trường đại học. Nhất là khi mỗi năm, số lượng học sinh tại các trường trung học “mạnh tay” hơn trong việc nộp đơn xin xét tuyển vào những đại học danh tiếng, mặc dù cơ hội rất mong manh. Trong lúc đó, bộ máy tuyển sinh của những trường đại học hàng đầu này cũng làm việc hết công suất để chọn ra những sinh viên ưu tú nhất – những người sẽ vinh danh và củng cố thêm uy tín lâu đời của trường. Bạn có nghĩ rằng dang tiếng lâu năm của Harvard sẽ tách trường này ra khỏi sàn đấu tuyển chọn khắc nghiệt? “Chúng tôi làm việc thậm chí còn căng thẳng hơn” – câu nói của William R. “Bill” Fitzsimmons, Trưởng ban tuyển sinh Harvard nhiều năm, chính là câu trả lời.
Chọn & “mua” sinh viên
Đương nhiên Harvard là ngôi trường mơ ước của nhiều sinh viên muốn tiếp tục con đường học vấn sau trung học. Riêng niên khoá 2010 này Harvard đã nhận được gần 23.000 đơn xin dự tuyển. Trường sẽ chỉ chọn 2.100 suất - khoảng 9% - trong số đó, không ngạc nhiên khi đây là một trong những trường có chế độ tuyển chọn khắt khe nhất. Ấn tượng hơn, đến 80% số sinh viên được chọn đã chính thức đồng ý nhập học tại trường, đây là tỉ lệ cao nhất trong số các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ. Vì với các trường danh tiếng như Yale hay Stanford, con số này chỉ dừng lại ở 70%. Còn tại một số trường khác như Williams, Duke và Dartmouth, số lượng sinh viên nhập học so với số được tuyển chọn chỉ khoảng 50%, hoặc ít hơn.
Nhưng bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi tận mắt chứng kiến phía “hậu trường” đã làm việc như thế nào để cho ra kết quả như thế. Trong văn phòng của mình, tại Byerly Hall, giữa những chồng đơn dự tuyển cao ngất ngưởng của các thí sinh, ông Fitzsimmons cho biết lý do của sự thành công: Đó là kế hoạch “ba phần”.
Kế hoạch này bắt đầu vào mùa xuân hàng năm, khi Harvard gửi mail đến cho hơn 70.000 sinh viên có điểm số xuất sắc, gợi ý họ nộp đơn vào ngôi trường danh tiếng nhất nước Mỹ này. Danh sách sinh viên được mua từ College Board – nhà tổ chức cuộc thi SAT và ACT Inc. – nhà tổ chức cuộc thi tuyển chọn đại học phổ biến ở miền Trung Tây. Danh sách tuyển chọn này đã qua một lần sàng lọc kỹ lưỡng. Fitzsimmons tự tin cho biết ông tìm được ở đây khá nhiều “viên ngọc sáng” mỗi năm, số này chiếm khoảng 70% lượng sinh viên vào học tại trường Harvard.
Trực tiếp mời gọi
Mỗi năm, Ban tuyển sinh của Harvard sát cánh cùng bốn thành viên danh tiếng khác của College Board , Mỹ là Stanford, Duke, Georgetown và Đại học Pennsylvania, đi khắp 140 thành phố ở Mỹ để tìm kiếm nhân tài. Không dừng lại ở đó, Harvard còn tự tổ chức nhiều chuyến đi đến hàng trăm nơi khác để tuyển chọn những gương mặt mới. Những năm trước đây, thành viên ban tuyển sinh đã ghé đến nhiều thành phố ở Châu Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Phi và miền Viễn Tây. Năm nay, 10% số sinh viên được chọn đến từ các nước khác.
Giảng viên và giáo sư của trường cũng được huy động cho việc tuyển chọn. Ví dụ, khoa Toán đã vào cuộc bằng cách để mắt đến những đứa trẻ xuất sắc trong các kỳ thi tuyển môn toán. Chính sự theo dõi sát sao này là lý do tháng 12 vừa qua, Harvard đã có chiến thắng đầy thuyết phục trước 300 trường đại học khác, để vinh dự nhận giải vàng trong cuộc thi Toán học danh giá Putnam lần thứ 25. Đối thủ theo sát Harvard là Đại học Caltech, chỉ giành được chiến thắng 9 lần.
Lực lượng 8.000 sinh viên tình nguyện cũng được tận dụng triệt để, nhiệm vụ của họ là nhận ra các hạt giống ưu tú và kéo các sinh viên này nhập hội. Và họ cũng tham gia phỏng vấn gần như toàn bộ các thí sinh dự tuyển.
Sàng lọc, đãi “vàng”
Sau khi đã có được danh sách sơ tuyển, công việc khó khăn nhất mới bắt đầu. Fitzsimmons sẽ phân công những thành viên trong tổ sàng lọc lại hàng ngàn sinh viên trong danh sách hiện có. Mỗi đơn dự tuyển sẽ phải “đối mặt” với 6 thành viên trong ban tuyển sinh. Ngoài ra, Fitzsimmons cũng cầu viện đến sự giúp đỡ của các giáo sư trong việc chọn lọc số sinh viên có năng khiếu trong ngành học của họ.
Vào tháng hai, các đơn xin dự tuyển sẽ được chia cho 20 phân ban tuyển sinh dựa theo vị trí địa lý (Ví dụ: các đơn của bang Indiana và Illinois sẽ thuộc trách nhiệm của cùng một phân ban). “Sau đó, chúng tôi đưa từng trường hợp dự tuyển ra thảo luận như trong một phiên toà” Fiztsimmons nói. Trong quá trình thảo luận, các phân ban sẽ bình chọn và những sinh viên nhận được số phiếu cao sẽ lần lượt được 35 thành viên trong hội đồng tuyển sinh xem xét. Quá trình này được lặp lại liên tục bởi một chuỗi các cuộc họp kéo dài trong hai tuần. Thảo luận và bình chọn chỉ đừng lại khi số lượng sinh viên dự tuyển giảm xuống bằng với chỉ tiêu cần tuyển.
“Cách sàng lọc này hoàn toàn trái ngược với cách làm việc của máy tính, và bởi vì chúng tôi có rất nhiều người, các tiêu chí kiểm tra và tuyển chọn cũng sẽ rất khác nhau”. Fitzsimmons cho biết.
Thuyết phục nhân tài
Một khi quyết định cuối cùng được đưa ra, Fitzsimmon và ban tuyển sinh tiến đến bước thứ ba của kế hoạch: Dồn toàn lực thuyết phục số sinh viên đạt yêu cầu chọn Harvard là điểm dừng chân. Các giáo sư, cựu sinh viên và sinh viên của trường..., toàn bộ đều được huy động cho việc kêu gọi các tân sinh viên. Từ giữa đến cuối tháng tư, khoảng hơn một nửa số sinh viên được chọn đồng ý nhập học sẽ có mặt trong ngày cuối tuần đặc biệt do trường tổ chức. “Những sự kiện đáng nhớ diễn ra mỗi phút” Fitzsimmons hào hứng nói. “Có một điều chắc chắn, không bao giờ được tạo áp lực cho họ, vì hiệu quả sẽ bằng 0”
Thật vậy, kế hoạch tuyển sinh của Harvard luôn thành công rực rỡ. Con số thuyết phục 80% sinh viên đồng ý nhập học là một minh chứng, dù Harvard không có chế độ bắt buộc xác nhận sớm. Nghĩa là hơn 800 học sinh trung học đồng ý vào học tại Harvard vẫn hoàn toàn tự do rẽ sang một trường đại học khác nếu họ muốn. “Họ hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn, sẽ không có một sự ràng buộc nào” Fitzsimmons nói. Ngược lại, đa số các trường khác thuộc Ivy League đều bắt buộc sinh viên sau khi quyết định phải nhanh chóng nhập học.
Trong lịch sử các trường đại học Mỹ, hầu hết những trường danh tiếng đều có dấu hiệu xuống dốc sau khi đạt được những thành tựu to lớn, vì “ngủ quên trong chiến thắng”. Điều này không xảy ra với Đại học Harvard. Sau nhiều năm làm việc cho ban tuyển sinh của ngôi trường danh tiếng này, Fitzsimmons thừa nhận ông vẫn là một người cầu toàn. “Chúng tôi chỉ đang làm tất cả để kết hợp một chế độ giáo dục tốt nhất với những sinh viên thật sự ưu tú. Chúng tôi luôn hi vọng sự kết hợp này sẽ giúp phát huy được tài năng của các sinh viên lên một mức độ cao hơn. Vì chính họ sẽ đem tài năng đã được rèn giũa đó để phục vụ cho nước Mỹ, và xa hơn, cho thế giới”. Niềm tin này nghe có vẻ “cổ lỗ sĩ”, nhưng đó chính là động lực to lớn, và là lý do vì sao Harvard chưa bao giờ xao lãng việc tìm kiếm những ngôi sao sáng nhất.
(st)