Chiến hạm Rạng Đông lẫy lừng
· Chiến hạm Rạng Đông: Là chiến hạm nổi tiếng nhất nước Nga, chiến hạm Rạng Đông hiện nay đang được neo lại vĩnh viễn trên sông Neva, cạnh bức tường Học viện Nakhimov ở Saint Petersburg. Mới đây nó còn được sử dụng như một bảo tàng và có hơn 28 triệu người đến từ 160 quốc gia đến tham quan.
Chiến hạm Rạng Đông được chế tạo trong 3 năm tại xưởng đóng tàu “Tân Đô đốc” ở Saint Petersburg và hạ thuỷ ngày 12-5-1900. Nó dài 126,8 m, rộng 16,8 m và có một thuỷ thủ đoàn gồm 570 người. Từ 1903, tàu tham gia Hạm đội Baltic của Nga. Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật, Rạng Động được cử đến Viễn Đông để tăng cường cho Hạm đội Thái Bình Dương thuộc sự chỉ huy của Phó Thuỷ sư đô đốc S.Petrovich Rozhestvenski. Theo nhà sử học Nga Petr Tsvetov, trên đường đi tới đó, cuối tháng 3-1905 Rạng Đông đã thả neo ở vịnh Cam Ranh, Việt Nam gần một tháng để chờ các tàu chiến khác của Nga đến cùng tham chiến.
Năm 1906, kết thúc cuộc chiến tranh Nga- Nhật, Rạng Động quay trở về biển Baltic và được dùng làm tàu giảng dạy cho hải quân Nga. Từ 1907 đến 1914, tàu tham gia nhiều cuộc thám hiểm hải dương không nhằm mục đích quân sự ở biển Baltic, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Năm 1911, Rạng Đông đến Bangkok tham dự nghi lễ chào mừng nhân dịp trao vương miện cho vị vua mới của Thái Lan.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ I, Rạng Đông lại được sử dụng như một tàu chiến và hoạt động ở vùng Baltic. Năm 1916, tàu được chuyển về St. Petersburg để tu sửa. Trong thời gian đó, một bộ phận thuỷ thủ đoàn đã đứng về phía Bolsheviki tham gia cuộc Cách mạng tháng 2 (1917). Sau đó một uỷ ban cách mạng đã được thành lập ở trên tàu, do Alekssandr Belyshev đứng đầu, và hầu hết các thuỷ thủ đều gia nhập đảng Bolsheviki.
Đêm 25-10 (7-11 theo lịch hiện nay), thừa lệnh của Uỷ ban quân sự Petrofrad, Rạng Đông đã nã đại bác báo hiệu cho những người Bolsheviki cùng tiến công vào Cung điện Mùa Đông của Sa hoàng, mở đầu cho cuộc Cách mạng tháng Mười. Cũng từ đó, con tàu được coi là biểu tượng của cuộc cách mạng này.
Từ 1923, Rạng Đông lại được dùng làm tàu giảng dạy cho Hạm đội Baltic và có nhiều chuyến đi thăm một loạt nước Scandinave. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, trong thời gian St. Petersburg (lúc ấy được đổi tên thành Lenigrad) bị phong tỏa suốt 900 ngày đêm, các thuỷ thủ đã tháo gỡ đại bác và pháo của tàu chuyển tới tuyến phòng thủ bên ngoài của thành phố và trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngày 30-9-1941, Rạng Đông bị máy bay Đức ném bom đánh chìm ở bến cảng.
Trước khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, chính phủ Liên Xô đã quyết định tu bổ Rạng Đông thành một tượng đài lịch sử. Vì thế ngày 20-7-1944, nó đã được trục vớt. Sau 3 năm tu bổ, từ 17-11-1948, Rạng Đông được neo lại ở "bến đỗ vĩnh cửu" bên sông Neva như hiện nay và được dùng làm tàu đào tạo cho trường Nachimov của hải quân Liên Xô. Nhưng trước nhu cầu của đông đảo cựu chiến binh và những người yêu lịch sử muốn xuống thăm tàu, năm 1956 Bảo tàng Hải quân trung ương Liên Xô đã lập một chi nhánh ở tàu này. Do người đến thăm ngày càng đông, nên từ năm 1961, trường Nachimov chính thức ngừng các hoạt động đào tạo ở đây và từ đó toàn bộ con tàu trở thành một "bảo tàng sống", chỉ phục vụ cho khách tham quan.
Chiến hạm Rạng Đông đã được trao huân chương Cờ đỏ (1927), Huân chương Cách mạng tháng Mười (1968) và từ năm 1960 được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia cần được bảo vệ. Cho đến ngày nay, Rạng Đông vẫn là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất của St. Petersburg. Không có một con tàu nào trên thế giới được nhiều người đến thăm như chiến hạm này: trên 28 triệu khách trong 50 năm qua, trung bình mỗi năm hơn nửa triệu người, mỗi ngày hơn 1500 người.